Xuất khẩu thủy sản giảm 16,4%

Thursday,
22/02/2018
0

Tính đến nửa đầu tháng 7/2015, tổng giá trị XK thủy sản đạt 3,29 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm ngày càng mạnh này là do giá trị XK hầu hết các nhóm sản phẩm XK chủ lực đều ở mức tăng trưởng âm: XK tôm giảm 28,1%; cá tra giảm 8,8%; cá ngừ giảm 7,1%, nhuyễn thể giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2014.


Tôm
Tính đến giữa tháng 7/2015, giá trị XK tôm đạt 1,4 tỷ USD, giảm 28,1%. Trong đó, giá trị XK tôm chân trắng đạt 824,2 triệu USD, giảm 29,2%; giá trị tôm sú đạt 460,2 triệu USD, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm 2015, giá tôm thế giới lại giảm do sự hồi phục về sản lượng tôm của các nguồn cung hàng đầu thế giới như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Tôm Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường Mỹ do giá cao, giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn giá tôm NK.
XK tôm sang các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (từ 14 – 54%). Mỹ là thị trường đứng đầu, chiếm 20% XK tôm Việt Nam nhưng lại sụt giảm mạnh nhất NK tôm Việt Nam - 50%. Cho dù nhu cầu NK tôm của Mỹ vẫn tăng, nhưng đồng USD tăng giá khiến cho thị trường này trở thành điểm hút các nhà XK tôm thế giới, tạo cơ hội cho các nhà NK ép giá. Giá tôm NK của Mỹ nửa đầu năm nay giảm 20% từ 12,5 USD/kg xuống còn 10 USD/kg.
XK tôm sang Nhật Bản và EU giảm lần lượt 19% và 14% do đồng yên và đồng euro giảm giá mạnh so với đồng USD khiến các nhà NK hạn chế mua vào hoặc tìm cách hạ giá nhập. XK sang Trung Quốc và Hàn Quốc cũng giảm lần lượt 28% và 17%. Nhu cầu NK tôm của Trung Quốc năm nay giảm do bất ổn kinh tế và sự sụp đổ thị trường chứng khoán sẽ khiến cho tiêu thụ của tầng lớp trung và thượng lưu nước này giảm mạnh trong thời gian tới.

Cá tra
Tính đến giữa tháng 7/2015, giá trị XK cá tra đạt 814,67 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ kết quả cuối cùng thuế CBPG giai đoạn POR10 với mức thuế cao, giá XK sang Mỹ giảm do nhà NK hạn chế mua vào, một số DN XK cá tra đã lặng lẽ rút khỏi thị trường Mỹ. Trong khi đó, nhu cầu cá rô phi - sản phẩm cạnh tranh với cá tra tại Mỹ tăng, giá NK sản phẩm này lại giảm khiến cho thị phần cá tra Việt Nam tại thị trường XK lớn nhất giảm. QI/2015, giá trị NK cá tra, cá da trơn của Mỹ từ Việt Nam chiếm 83,5% tổng giá trị NK cá tra, cá da trơn. Tuy nhiên, tỷ trọng này của Việt Nam đang bị các DN Trung Quốc giành thị phần. QIV/2014, giá trị NK cá tra và cá da trơn của Mỹ từ Trung Quốc tăng đột biến 411% so với QIII/2014. Tiếp đà tăng, QI/2015, giá trị NK mặt hàng của Mỹ từ Trung Quốc lại tăng 46% so với QIV/2014.
Từ cuối năm 2014, đồng EUR bị mất giá kỷ lục so với USD. Chính sách thúc đẩy XK này đã ảnh hưởng lớn tới các nhà NK. Chính vì vậy, nhiều DN EU giảm NK và gửi đề nghị các nhà cung cấp Việt Nam giảm giá bán. Đây là cũng là một lý do khiến XK cá tra Việt Nam sang thị trường EU 3 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh. Trong 5 thị trường đơn lẻ XK hàng đầu tại EU, trong 3 năm trở lại đây, duy nhất giá trị XK sang thị trường Anh tăng trưởng ổn định và khả quan tăng 23% (năm 2012-2014). Nửa đầu năm 2015, các thị trường XK khác như: Tây Ban Nha giảm 14%; Hà Lan giảm 20,7%; Đức giảm 32%; Italy giảm 23,3%.
Giá trị XK cá tra sang các thị trường lớn khác như: Trung Quốc tăng trên 50%; Canada tăng gần 3%, trong khi đó, giá trị XK sang ASEAN giảm 4%; Mexico giảm 25,9%, Colombia giảm 13,2%... so với cùng kỳ năm 2014.
Những khó khăn về thị trường càng nặng nề hơn khi các DN XK cá tra trong nước vướng khi thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP trong đó có quy định về tỷ lệ mạ băng với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh XK và thủ tục đăng ký hợp đồng XK với Hiệp hội cá Tra Việt Nam. Điều này đang tạo áp lực về tâm lý cho DN XK, đồng thời cũng khiến cho các nhà NK chủ động giảm NK để nghe ngóng tình hình. Nếu nghị định này không được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn, XK cá tra 2 quý cuối năm 2015 sẽ còn sụt giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước.

Hải sản
Tính đến nửa đầu tháng 7/2015, giá trị XK các loại cá biển khác (HS 0301-0305 và 1604, trừ cá tra, cá ngừ) tăng nhẹ 4,2%; cua ghẹ và giáp xác khác tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị XK nhuyễn thể (mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) lại giảm 8,6%; giá trị XK cá ngừ cũng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm 2015, khó khăn về thị trường tác động ngày càng rõ nét đến XK cá ngừ, trong đó, rõ nhất là XK sang thị trường Nhật Bản. Tính đến hết tháng 6/2015, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường XK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, nhường lại cho thị trường ASEAN. Trong khi đó, giá trị XK sang thị trường Mỹ chỉ tăng 9,3%, giá trị XK sang EU giảm mạnh tới 21,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù hai quý đầu năm giá trị XK thủy sản giảm mạnh do những bất lợi về thị trường và sản xuất trong nước đan xen. Tuy nhiên, nhiều DN lạc quan cho rằng, quý III là quý “bứt phá” của năm để “về đích” vào quý IV. Do đó, có thể XK thuận lợi hơn tại thị trường Mỹ, giá trị XK cá tra phục hồi sẽ giúp mức tăng trưởng âm sẽ không thể sâu hơn.



Theo Vasep

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: