Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mới đây Nga tiếp tục dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đầu tháng 8/2014, Nga cho phép 7 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này.
Nhu cầu tôm tại thị trường Nhật Bản ổn định - nhận định này dựa trên cơ sở động thái của các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã đặt hàng đều đặn từ đầu năm đến nay. Điều này có một phần do nguồn tôm từ Thái Lan giảm nhiều do dịch bệnh, gián tiếp “nhường sân” cho tôm Việt Nam.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương với sản lượng từ năm 2012 đến nay ổn định ở mức 16 nghìn tấn/năm, tập trung ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Tuy vậy, vẫn còn bất cập từ khai thác – bảo quản – thu mua chế biến – xuất khẩu. Để khắc phục, mới đây Công ty Cổ phần thủy sản Bình Định và Công ty General Offce Co Ltd (Nhật Bản) đã liên kết đánh bắt, bảo quản cá theo công nghệ Nhật Bản. Chuyến cá đạt chất lượng cao đầu tiên đã “ra mắt” tại Trung tâm Bán đấu giá thành phố Osaka. 10 con cá ngừ, nặng 448kg đã bán được với giá bình quân 1.200 yên/kg, tương đương 240.000 đồng/kg, cao hơn 2,5 lần giá của các đại lý thu mua cá ngừ đại dương ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trong lô hàng trên có một con được bán với giá 2.100 yên/kg, tương đương 420.000 đồng/kg, là mức giá cao trên thị trường Nhật Bản. Cùng vào thời điểm này, kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản đã được triển khai nhằm năng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững với những nội dung cụ thể cho từng lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến, đổi mới cơ chế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tăng cường hợp tác quốc tế...
Để tận dụng được thời cơ, mấu chốt là các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực về mọi mặt, trọng tâm là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Báo Công Thương