Thống kê của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt tổng kim ngạch 2,861 tỷ USD, con số này chỉ tăng 0.3% so với cùng kỳ 2012.
Xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 có thể đạt 6,5 tỉ USD. Dù vậy, những khó khăn về vốn, chi phí sản xuất tăng… đang khiến các DN xuất khẩu thủy sản gặp khó. Và bởi vậy, nửa chặng đường phía trước của ngành thủy sản vẫn chông gai.
Rào cản kỹ thuật bủa vây
Theo bộ Công thương, xuất khẩu thủy sản của tháng 6 năm nay ước đạt 560 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,861 tỉ USD, tăng 0,3 % so với cùng kỳ năm 2012.
Thời gian qua, ngành thủy sản đã phải đối diện với nhiều khó khăn. Hàng loạt các rào cản về kỹ thuật được dựng lên ở các nước xuất khẩu cùng với những khó khăn về vốn, chi phí sản xuất… đã và đang khiến các DN ngành thủy sản lao đao, nhiều DN thủy sản đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Bởi vậy, theo các chuyên gia ngành thủy sản, để đạt được những con số trên về kim ngạch xuất khẩu, các DN thủy sản cũng như toàn ngành đã phải nỗ lực rất nhiều. Dù vậy, theo nhận định của Bộ Công thương, còn nửa chặng đường ở phía trước và những khó khăn ngành thủy sản sẽ phải đối diện là không nhỏ. Đặc biệt, các rào cản kỹ thuật ngày càng được dựng lên nhiều hơn như: Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng chế độ kiểm soát Ethoxyquin; Ucraina tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam do dư lượng một số loại vi sinh vật vượt tiêu chuẩn; Mexico tạm ngừng nhập khẩu tôm của 4 nước, trong đó có Việt Nam do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh tôm chết sớm (EMS)… Đây sẽ là những barie khiến con đường "cán đích” (kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD) của ngành thủy sản trong năm nay không hề bằng phẳng.
Nỗ lực giảm thiểu khó khăn cho DN
Tuy nhiên, gần đây, một số thông tin tích cực cũng khiến các DN xuất khẩu thủy sản vơi đi phần nào "gánh nặng thương trường”. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, ngành cá tra vừa nhận được thông tin Ủy ban Nông nghiệp thuộc Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nông nghiệp 2013. Dự luật có nhiều sửa đổi, trong đó có việc hủy bỏ chương trình thanh tra cá da trơn vốn bị chỉ trích là gây tốn kém ngân sách và gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu cá da trơn từ các nước châu Á. VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ 6 tháng cuối năm 2013 sẽ tốt hơn và có thể tương đương với cùng kỳ năm 2012.
Ngoài ra, Australia cũng hứa hẹn là thị trường nhiều tiềm năng của ngành cá tra khi nước nước này đang nhập khẩu một lượng không nhỏ cá tra Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường "ngốn” lượng thủy sản lớn của Việt Nam, đặc biệt là tôm. 5 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng trưởng tới 19,1% và thị trường này đã vượt qua EU để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của nước ta.
Còn đối với trong nước, các nhà quản lý cũng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho cả người nuôi cũng như DN ngành này. Một trong số đó là yếu tố về vốn. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, việc lãi suất được điều chỉnh giảm sâu thời gian qua đã và đang tiếp sức cho DN.
Một tin vui nữa cũng được VASEP đưa đến cho các nhà sản xuất và chăn nuôi cá tra đó là, VASEP đang phối hợp với một số tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước bắt đầu khởi động triển khai dự án "Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam”. Dự kiến, dự án sẽ được xây dựng trong vòng 4 năm (từ 2013 - 2017) với tổng kinh phí khoảng 2,37 triệu EURO (tương đương hơn 64 tỷ đồng).
Đây là dự án được triển khai trong bối cảnh ngành cá tra Việt Nam đang nắm giữ khoảng 80% sản lượng cá tra toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu cá tra chiếm tới 34% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy - hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên, một thời gian dài ngành này phát triển không theo quy hoạch nên có tác động không nhỏ đến môi trường, đồng thời gây ra cái nhìn không mấy thiện cảm trong môi trường kinh doanh của bạn bè quốc tế.
Đại đoàn kết