Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ: góc nhìn chất lượng của các DN Việt Nam và Indonesia

Thursday,
22/02/2018
0

Mỹ là nước tiêu thụ thủy sản lớn, có trao đổi thương mại thủy sản toàn cầu với tổng kim ngạch 8 - 10 tỷ USD/năm. Các quy định kiểm soát ATTP hàng thủy sản nghiêm ngặt theo nguyên tắc HACCP và GMP. Mỹ không yêu cầu các lô hàng thủy sản nhập khẩu vào Mỹ phải có chứng thư vệ sinh (Health Certificate), nhưng đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong áp dụng HACCP, kiểm soát tốt điều kiện sản xuất.


Indonesia là một trong những nước sản xuất thủy sản lớn trên thế giới, XK thủy sản sang nhiều nước và vũng lãnh thổ, trong đó thị trường chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản, Nga, một số thị trường tại EU. Indonesia chủ yếu xuất các mặt hàng thủy hải sản như tôm, cá ngừ, cua, cá hồng, cá rô phi, nhuyễn thể, mực bạch tuộc, đặc biệt là thủy sản thô làm nguyên liệu chế biến.

Theo số liệu từ TradeMap, năm 2012, XK thủy sản thô của Indonesia đạt 2,75 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thị trường thủy sản toàn cầu, sau các nước Trung Quốc, Na Uy, Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan…

Tuy nhiên, tương tự như các nước XK thủy sản trên thế giới nói chung và khu vực Châu Á nói riêng, cùng với sự gia tăng lô hàng XK, Indonesia cũng đang đối mặt với vấn đề chất lượng thủy sản XK, bao gồm cả cảnh báo tại các thị trường lớn có nhiều quy định khắt khe đối với ATTP thủy sản NK. Điều này cũng thể hiện rõ tại thị trường Mỹ, thị trường lớn nhất và là nơi Indonesia được coi là một trong những nhà cung cấp chính.

Tính đến hết năm 2012, số lô hàng thủy sản của các DN Indonesia bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo tuy có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao.

Theo số liệu của FDA, Indonesia có 289 lô hàng thủy sản NK vào Mỹ bị cảnh báo trong năm 2010 chủ yếu là các mặt hàng tôm, cá ngừ, cua, cá mú, cá hồng. Con số này tăng hơn 71% lên 496 lô trong năm 2011, do có thêm nhiều lô hàng tôm, cá ngừ bị phát hiện không đạt yêu cầu chất lượng. Năm 2012 có 419 lô bị cảnh báo, có giảm nhưng không đáng kể.

Phân loại theo nhóm hàng XK, các lô hàng tôm, cá ngừ và cua bị cảnh báo nhiều nhất. Đối với mặt hàng tôm, nếu như các DN Indonesia chỉ có 33 lô tôm gặp vấn đề chất lượng vào năm 2010, chiếm gần 11,5% trong tổng số 289 lô, thì cảnh báo đối với mặt hàng này tăng 127% lên 75 lô trong năm 2011. Năm 2012, các DN Indonesia đã có bước cải thiện đáng kể chất lượng tôm XK nên số cảnh báo giảm còn 29 lô. Trong khi, con số tương ứng của các DN Việt Nam là 22 lô đối với mặt hàng tôm.

Cá ngừ là sản phẩm bị Mỹ cảnh báo nhiều nhất với 165 lô trong năm 2010, chiếm 57%; số cảnh báo tăng 26% lên 209 lô năm 2011; và đã giảm xuống 182 lô năm 2012, chiếm hơn 43% tổng số cảnh báo. Nếu các lô hàng của các DN Indonesia chỉ bị cảnh báo lần lượt 30 và 15 lô hàng cua trong hai năm 2010 và 2011, thì số cảnh báo đối với mặt hàng này bất ngờ tăng vọt lên 121 lô trong năm 2012, chiếm gần 29% tổng số cảnh báo.

Thủy sản bị cảnh báo chủ yếu về các chỉ tiêu: Chloramphenicol, Salmonella, Histamine, Listeria, vi tạp chất, thuốc thú y và nhiễm bẩn. Trong đó đặc biệt lưu ý về các cảnh báo về Chloramphenicol, Salmonella và vi tạp chất. Năm 2011, Mỹ phát hiện 259 lô thủy sản NK từ Indonesia nhiễm khuẩn Salmonella (phần lớn là sản phẩm cá ngừ và tôm), tăng 153% so với 102 lô trong năm 2010 và chiếm 52% tổng số cảnh báo. Năm 2012, số lô nhiễm khuẩn này giảm 52% còn 122 lô, chiếm 29%. Trong khi đó, Việt Nam chỉ bị cảnh báo 57 lô nhiễm khuẩn này trong năm 2012.

Các cơ quan quản lý chất lượng của Mỹ coi Salmonella là một trong những mối nguy cần kiểm soát trong thực phẩm do có nguy cơ gây ngộ độc cao. Mỹ luôn tăng cường kiểm soát việc nhiễm khuẩn Salmonella trong thực phẩm để phòng ngừa bùng phát dịch và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, việc số lô nhiễm khuẩn này luôn ở mức quá cao là một trong những thách thức lớn của Indonesia và bất cứ quốc gia nào XK vào Mỹ. Đáng chú ý là số lô bị cảnh báo đối với kháng sinh Chloramphenicol trong thủy sản xuất xứ Indonesia tăng đột biến lên 78 lô năm 2012, trong khi chỉ có khoảng 27 và 8 lô trong năm 2010 và 2011. Thủy sản bị cảnh báo chỉ tiêu này hầu hết là mặt hàng cua. Với chỉ tiêu này, các lô hàng của các DN Việt Nam chỉ có 2 lô thủy sản FDA cảnh báo. Tương tự như vậy đối với kháng sinh Nitrofuran, năm 2012 các DN Việt Nam không có lô hàng nào bị cảnh báo, Indonesia có 8 lô (mặt hàng cua) bị cảnh báo chỉ tiêu này.

Cùng với mức độ nghiêm ngặt ngày càng tăng trong kiểm soát nhập khẩu của Mỹ và các nước lớn khác, thì vấn đề kiểm soát hệ thống theo chuỗi sản xuất đang đặt ra là một cách tiếp cận phù hợp, bền vững đối với các nước sản xuất thủy sản, mà ở đó mỗi công đoạn từ giống, nuôi trồng đến bảo quản, chế biến, XK đều cần làm tốt các quy chuẩn ATTP ở mức trách nhiệm cao nhất như nhau.


Theo VASEP
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: