Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Sau khi sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm, XK thủy sản trong tháng 4/2013 đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt giá trị khoảng 520 triệu USD)
Cũng theo VASEP, thị trường xuất khẩu có sự phục hồi là do XK tất cả các sản phẩm thủy sản trong nửa đầu tháng 4 đều tăng mạnh từ 13 – 34%. Trong đó tôm tăng gần 34%, tôm chân trắng tăng gần 60%, cá tra tăng gần 14%, cá ngừ tăng 31%, các loại cá biển khác cũng tăng 23%. Với kết quả này, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1,78 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên VASEP cũng cảnh báo, xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản trong thời gian tới vẫn có thể bị ảnh hương bởi những khó khăn về nguồn nguyên liệu và các rào cản như Ethoxyquin tại Nhật Bản, Hàn Quốc, thuế chống bán phá giá cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm và vấn đề dịch bệnh…
Do vậy VASEP cũng dự đoán, trong quý II, XK thủy sản khó có thể phục hồi mạnh, thậm chí dự báo sẽ vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá tra: Phát triển “sạch” – hướng đi bền vững
Hơn 2 năm nay, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL rơi vào cảnh khốn khó bởi giá rớt tệ hại, điều lo ngại là sự tăng hay giảm của cá tra có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế của nhiều địa phương ở ĐBSCL, vì vậy, khôi phục nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách.
Đồng Tháp, An Giang và TP.Cần Thơ là 3 địa phương có nghề nuôi cá tra mạnh nhất ở ĐBSCL. Thế nhưng nhiều hộ dân nơi đây đang chán nản bởi càng nuôi càng lỗ. Bà Đinh Thị Hường, hộ nuôi cá ở huyện Tân Hồng - (Đồng Tháp) - chua chát: “Vừa thu hoạch 700 tấn cá tra loại 1, bán cho nhà máy chỉ được 21.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi là 23.000 đồng/kg, tính ra lỗ khoảng 1 tỉ đồng”. Ông Nguyễn Văn Đạo -Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Gò Đàng - nhìn nhận, nguyên nhân do giá xuất khẩu thấp, thị trường tiêu thụ khó... nên giá cá nguyên liệu trong nước không tăng được.
Ngay thời điểm nghề nuôi và xuất khẩu cá tra rơi vào thế khó, thì một điểm sáng đáng ghi nhận là đối tác quốc tế đánh giá cao những cải thiện về tiêu chuẩn chất lượng của cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung. Cụ thể, 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là EU, Nhật Bản và Mỹ đều cho rằng, thủy sản nước ta có bước tiến đáng kể về chất lượng.
VASEP cho biết, tính đến nay toàn vùng ĐBSCL đã có 103 trại nuôi cá tra với diện tích 2.800ha (chiếm 40% về tổng diện tích nuôi cá tra), đạt được các chứng nhận bền vững; trên 50% nhà máy chế biến cá tra đạt chứng nhận Global GAP, ASC... Mục tiêu phát triển là “sạch từ sản xuất đến bàn ăn của mọi gia đình”. Do đó, hướng đi của cá tra tới đây là không chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo khi truy suất nguồn gốc.
Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, tỉnh xác định cá tra là một trong những kinh tế chủ lực, nhưng kiên quyết không tăng diện tích, sản lượng, mà dồn sức để nâng chất lượng. Xóa dần tình trạng nuôi nhỏ lẻ, manh mún để hình thành những vùng nuôi lớn được đầu tư bài bản và gắn liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Để ổn định nghề cá, ông Phạm Văn Bên - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân thức ăn Cỏ May đưa ra mô hình liên kết 4 bên giữa “người nuôi - doanh nghiệp sản xuất thức ăn -doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - ngân hàng”. Cái lợi của mô hình này là, người dân chỉ cần nuôi gia công nhưng đảm bảo được đầu ra và lời khoảng 2.000 đồng/kg. Doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng và giá đầu vào biết trước, nhằm dễ dàng trong việc đàm phán hợp đồng với nước ngoài.
Doanh nghiệp thức ăn bán được nhiều sản phẩm, trong khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn đúng địa chỉ và có tài sản thế chấp rõ ràng... Để làm được mô hình mới này, rất cần cơ quan chức năng đứng ra làm đầu mối để gắn kết “4 bên” lại với nhau.
ĐCSVN