Xuất khẩu thủy sản và kỳ vọng năm 2014

Thursday,
22/02/2018
0

Năm 2013, xuất khẩu thủy sản cán đích vượt kế hoạch, nhiều khả năng sẽ đạt 6,7 tỷ USD. Đây là tiền đề quan trọng cho năm 2014. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển được thành công này, còn không ít nỗi lo.


Chủ lực vẫn mạnh

Hiện, dù chưa có con số chính thức, nhưng có thể ước tính, giá trị xuất khẩu tôm cả năm có thể chạm mốc 3 tỷ USD. Thành công lớn này trước hết nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục của tôm thẻ chân trắng (cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu).

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/thuongmai/z300-Thuy-san-Viet-Nam2745-.jpg

11 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD - Ảnh: Huy Hùng
 

Tuy nhiên, trái ngược với tôm, xuất khẩu cá tra vẫn trong tình trạng hồi phục chậm. Hoạt động xuất khẩu chỉ hồi phục nhẹ vào tháng 3, 4/2013 và đạt mức cao nhất vào tháng 5 sau Hội chợ Thủy sản Boston (Mỹ) và Hội chợ Thủy sản châu Âu (Bỉ) đẩy giá cá tra tăng nhẹ. Sự sụt giảm nhu cầu kéo dài tại các thị trường nhập khẩu cá tra chính, nhất là EU, đã khiến cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chật vật. Dù gặp nhiều trắc trở nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2013 vẫn sẽ đạt 1,7 tỷ USD, đây là kết quả nỗ lực vượt khó của cộng đồng người nuôi, doanh nghiệp cũng như sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.

Bộ Công Thương dự báo, năm 2014, tôm và cá tra tiếp tục là mặt hàng chủ lực kéo xuất khẩu thủy sản tăng trưởng; trong đó, xuất khẩu tôm vẫn giữ ngôi vị quán quân trong xuất khẩu thủy sản, do thị trường vẫn rộng mở, giá cao.

Cần một hướng đi mới

Nhiều chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, cần phải có sự hợp sức và nỗ lực từ các bên liên quan. Trước mắt, doanh nghiệp và người nuôi cần phải chủ động tìm hướng đi để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, phải đảm bảo hàng hóa xuất khẩu phù hợp các tiêu chuẩn, đáp ứng những yêu cầu từ thị trường. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ổn định. Đồng thời, nên có phương án đa dạng hóa thị trường, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống Mỹ, EU, Nhật…

Tuy nhiên, đặc tính của doanh nghiệp là muốn thu được lợi nhuận tối đa trên cơ sở đáp ứng mức chất lượng tối thiểu mà người tiêu dùng chấp nhận, nên vẫn có nhiều trường hợp doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng bỏ mọi quy tắc. Do đó, trong công tác tăng cường quản lý chất lượng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, không thể thiếu được vai trò của các cơ quan Nhà nước nhằm quản lý, đảm bảo chất lượng trong sản xuất và kinh doanh cũng như đảm bảo các lợi ích lâu dài.

Về phía người nuôi, nên chuẩn bị tốt môi trường ao nuôi, lựa con giống khỏe mạnh từ các trại có uy tín, chất lượng; nên hạch toán giảm chi phí sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu… Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Thới An chia sẻ, thời điểm hiện tại, người nuôi nên ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, có đầu ra để yên tâm sản xuất và cần tính toán để có lợi nhuận.

>> Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2014 khoảng 6,5 - 7 tỷ USD là khả thi. Tuy nhiên, cần phải giải quyết những thách thức từ khâu nuôi trồng, nguyên liệu… để sản phẩm đảm bảo an toàn.

Theo Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: