Xuất khẩu tôm lập kỷ lục mới trong năm 2013

Thursday,
22/02/2018
0

Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị XK của cả nước đạt 5,57 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2012, Đóng góp lớn nhất là mặt hàng tôm, chiếm tới 44,2% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2013_12/e67ffc3.jpg

Tăng vọt XK trong tháng 10 đưa giá trị XK tôm đạt mức kỷ lục

Sự bứt phá của XK tôm trong năm nay trở thành một cứu cánh chung cho cả ngành XK thủy sản Việt Nam trong bối cảnh hầu hết các thị trường tiêu thụ quốc tế đều chưa có sự phục hồi từ suy thoái kéo dài. Cho đến nay, XK tất các các sản phẩm thủy sản chính của nước ta (trừ tôm) đều bị sụt giảm so với cùng kỳ 2012, như cá tra giảm nhẹ 0,5%, cá ngừ 5,4%, cá các loại 5%, nhuyễn thể 13% và cua ghẹ 10,5%.

Trong 6 tháng đầu năm, XK tôm không có những tiến triển đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng XK chỉ ở mức vừa phải 9% trở xuống so với các tháng quý I năm 2012. Tuy nhiên bước sang quý II, XK tôm tăng rất mạnh, đạt tốc độ tăng từ 45,3-65,5% và riêng tháng đầu tiên của quý III - tháng 10, XK tôm đã tăng 73,9% so với tháng 10 năm ngoái.

Sức bật này đưa tổng XK tôm trong 10 tháng đầu năm đạt trên 2,467 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2012.

XK tôm của nước ta đã lập kỷ lục mới về giá trị từ trước đến nay. Nghĩa là chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm đã vượt tổng giá trị XK mặt hàng này trong cả năm 2011 (với 2,396 tỷ USD) và cả năm 2012 (với 2,237 tỷ USD).

Đánh giá quá trình diễn biến XK trong 10 năm gần đây (2002- 2012) có thể thấy tôm là mặt hàng thủy sản duy nhất luôn duy trì giá trị XK năm sau cao hơn năm trước (trừ năm 2012 giảm nhẹ 6,6% so với năm 2011). Mặt hàng tôm luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị XK thủy sản và là yếu tố dẫn dắt cho XK của toàn ngành trong cả nước.

Về cơ cấu loài, trước năm 2007, XK tôm chiếm chủ yếu là tôm sú, do tôm chân trắng chỉ được phép nuôi hạn chế ở Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 2008, do các lợi thế vượt trội, tôm chân trắng đã được nuôi ở một số tỉnh miền Trung và hiện nay, cả ở ĐBSCL. Vì vậy, cơ cấu XK mặt hàng tôm đã có sự thay đổi. Tôm chân trắng đã tăng dần tỷ trọng trong tổng XK, từ không đáng kể đến chiếm gần 23% tổng giá trị XK tôm trong năm 2010, đến nay (10 tháng đầu năm) đã chiếm gần 49%, trong khi tôm sú là 44%, phần còn lại là của các loại tôm biển khác. Như vậy, XK tôm chân trắng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012, trong khi XK tôm sú chỉ tăng 3,5%, đưa tôm chân trắng lần đầu tiên vượt qua tôm sú về giá trị XK.

Tôm chân trắng đã trở thành một nhân tố góp phần quan trọng trong tăng trưởng XK tôm và khả năng cạnh tranh của nước ta về mặt hàng tôm trên thị trường thế giới. Mặc dù tôm sú vẫn là một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam và có vị trí tốt ở các khu vực thị trường tiêu thụ cao cấp.

Về cơ cấu sản phẩm, so với nhiều mặt hàng thủy sản khác, tôm là mặt hàng có tỷ trọng chế biến giá trị gia tăng khá cao trong tổng giá trị XK, nhưng trong những năm gần đây, tỷ trọng này có phần chững lại, chỉ tiến bộ rất chậm, trái với quy luật chung của ngành chế biến trên thế giới (tăng cường hàng chế biến GTGT để tối đa hóa lợi nhuận). Hiện tại, XK tôm chế biến các loại thuộc mã HS1605 đạt trên 784 triệu USD, chiếm gần 32% tổng giá trị XK tôm, trong khi tôm XK dưới dạng nguyên liệu thuộc mã HS03 đạt gần 1.683 triệu USD, chiếm 68%. Thị trường hấp thụ nhiều nhất sản phẩm tôm đã chế biến của Việt Nam là Mỹ, chiếm 37,6% tổng giá trị sản phẩm tôm chế biến, tiếp đến là Nhật Bản (23,4%) và Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Đức vv…

XK tôm Việt Nam tăng trưởng nhảy vọt trong tháng 10

Trong 10 tháng đầu năm, 10 thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của nước ta gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Canađa, Đài Loan, Thụy Sĩ và ASEAN, chiếm 96,4% tổng giá trị XK tôm (gần 2,379 tỷ USD), đều đạt mức tăng trưởng hai con số ở mức tương đối cao. Đây là hiện tượng hiếm thấy ở hầu hết các mặt hàng thủy sản XK trong thời buổi kinh tế thế giới sa sút và sức mua eo hẹp của nhiều thị trường lớn và nhỏ.

Trong số các thị trường trên có 4 thị trường tiêu thụ đáng chú ý nhất; đó là: Mỹ NK gần 659,3 triệu USD, chiếm 26,7% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam; Nhật Bản trên 574,5 triệu USD, chiếm 23,3%; EU trên 322 triệu USD chiếm 13,1% và Trung Quốc trên 310 triệu USD, chiếm 12,6%.

Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2012. Sau khi đã giảm khá sâu trong tháng 2 và tháng 3, kể từ tháng 4, Mỹ đã bắt đầu tăng NK tôm trở lại và tăng mạnh nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10 với tốc độ tháng sau tăng từ 101 - 146% so với tháng trước. Nhờ sức bật này, Mỹ đã vượt Nhật Bản trở thành nhà NK tôm lớn nhất của Việt Nam từ tháng 7 đến nay, sau năm năm đứng thứ hai sau Nhật Bản.

Cũng trong 10 tháng đầu năm, NK tôm Việt Nam của Nhật Bản trong các tháng tăng đều, duy chỉ có tháng 2 giảm mạnh, tuy vậy, tốc độ tăng còn kém xa so với thị trường Mỹ.

Đáng chú ý trong kỳ, thị trường EU đã có tín hiệu tích cực rõ ràng về NK tôm và cá ngừ của Việt Nam. Đây là tiến bộ hiếm hoi của thị trường EU vì NK hầu hết các sản phẩm chủ lực khác của thị trường này đều giảm, nhất là cá tra.

Riêng NK tôm Việt Nam, EU đã bắt đầu tăng từ tháng 5, sau khi giảm sâu trong tháng 2, 3, 4/2013 và mấy năm gần đây. Tháng 10 vừa qua, NK tôm Việt Nam của EU đã tăng vọt 92,2% so với tháng 9, đưa NK cả 10 tháng đầu năm tăng 23,9% và đây cũng là yếu tố giúp NK tất cả các loại thủy sản Việt Nam trong kỳ tăng nhẹ 1,3% sau khi giảm mạnh trong cả năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013. Thị trường Anh và Pháp trong khối EU là hai nhà NK tôm đang thể hiện tốc độ tăng trưởng rất cao, tương ứng 48,0 và 60,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng XK tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong hai tháng cuối năm, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể không ngoạn mục bằng tháng 10 nhưng có thể vẫn ở mức cao so với các tháng khác trong 6 tháng đầu năm. Do tháng 11 và đầu tháng 12 vẫn còn kịp chuẩn bị cho dịp tiêu thụ Giáng sinh và đầu năm mới 2014. Theo dự đoán, XK tôm của cả nước trong năm 2013 sẽ vượt xa kế hoạch đề ra, ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Theo tin mới nhất, giá trị XK thủy sản tháng 11 ước đạt 684 triệu USD, đưa giá trị XK trong 11 tháng đầu năm 2013 đạt 6,11 tỷ USD; tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

NK tôm của một số thị trường chính

NK tôm của Nhật: Trong 6 tháng đầu năm, NK tôm của Nhật Bản thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1% về khối lượng, do NK tôm nguyên liệu đông lạnh giảm, tuy vậy NK tôm chế biến tăng nhẹ. Việt Nam là nhà XK tôm lớn thứ 2 cho thị trường Nhật Bản (sau Inđônêxia, trước Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc).

NK tôm của Mỹ: NK tôm của Mỹ trong 9 tháng đầu năm giảm khoảng 5,1% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2012. Đáng lưu ý NK tôm của Mỹ từ các nước giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm, nhưng đến tháng 8 và 9 đã bắt đầu tăng so với cùng kỳ 2012, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011.

Trong 9 tháng đầu năm, một số nước ở châu Á XK tôm chính cho Mỹ đã giảm vì dịch bệnh, như Thái Lan giảm 39,8, Inđônêxia giảm gần 5,3%, trong khi Ấn Độ tăng gần 61,3%, Việt Nam tăng 36,5%. Trong kỳ Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ 5 cho thị trường Mỹ, sau Thái Lan, Êcuađo, Ấn Độ và Inđônêxia.

NK tôm của EU: Đây là một thị trường rất trầm lắng trong 6 tháng đầu năm. Do giá tôm cao, EU hầu như không thể cạnh tranh nổi với các khách hàng Mỹ và Nhật Bản. NK của EU chỉ tập trung cho nhu cầu trước mắt. 6 tháng đầu năm, NK tôm của EU- 27 nước giảm 7%. Trong khối chỉ có Italia tăng 4%, còn Đức giảm đến 16%, Pháp giảm nhẹ 1,6%. Tây Ban Nha là thị trường tôm lớn nhất EU đã giảm rất mạnh với 11,6%. Tuy nhiên, đến tháng 11 này nhiều hệ thống siêu thị của EU đã mua một khối lượng lớn tôm chân trắng để chuẩn bị cho mùa bán hàng cuối năm. Tuy nhiên, một số thị trường, như Anh đã NK tôm nước lạnh nhiều hơn để thay thế cho tôm nước ấm do giá cao hơn đến 30%.

Một số thuận lợi hỗ trợ XK tôm trong thời gian vừa qua

Tháng 9 năm nay, hai cơ quan công quyền Mỹ đã buộc phải đưa ra hai quyết định quan trọng đối với tôm Việt Nam. Bộ Thương mại Mỹ ban hành Kết quả cuối cùng của Đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 7 cho giai đoạn 1/2/2011- 31/1/2012 (POR7) đối với tôm Việt Nam NK vào thị trường Mỹ. Theo đó, toàn bộ 33 DN tôm nước ta tham gia POR7 đều được công nhận không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và nhận mức thuế CBPG 0%. Cuối tháng 9, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã phán quyết tôm NK từ Việt Nam và 6 nước khác không gây thiệt hại cho ngành tôm nội địa Mỹ, vì vậy Bộ Thương mại Mỹ không có quyền áp thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam (với mức 4,52%) và 6 nước khác trong vụ kiện chống trợ cấp do Liên minh tôm vùng Vịnh, Mỹ khởi xướng vào cuối tháng 12/2012.

Các DN tôm cũng như người nuôi tôm Việt Nam đón nhận thông tin này với những phản ứng tích cực và có thêm niềm tin vào thị trường Mỹ, sau một thời gian dài lo ngại và dè dặt trong việc mở rộng nuôi, thu mua chế biến và XK. Hai quyết định này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho các nhà chế biến XK tôm nước ta và đồng thời Mỹ cũng thừa nhận ngành XK tôm Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế thị trường và không nhận trợ cấp từ Chính phủ.

Tiếp tục đà tăng trưởng từ đầu quý III, hoạt động của toàn bộ ngành tôm càng chủ động hơn trong những tháng cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà NK trong việc xây dựng nguồn hàng phục vụ cho dịp tiêu thụ cuối năm và đầu năm mới.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, đó là dịch bệnh EMS trên tôm ở nước ta đã phần nào bị khống chế. Người dân có động lực phát triển nuôi tôm nhờ có đầu ra thuận lợi và giá bán nguyên liệu tăng lên từ 10-20%. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng 10, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh trong cả nước đã giảm mạnh, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch tính đến cuối tháng 10 ở ĐBSCL tiếp tục tăng cao, Cà Mau đạt 102.000 tấn, tăng 7.100 tấn, Bạc Liêu đạt 65.189 tấn, tăng 10.000 tấn, Kiên Giang đạt 32.561 tấn, tăng 4.000 tấn, Quảng Ninh đạt 24.188 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tăng là điều kiện góp phần quan trọng đưa XK tôm của Việt Nam bứt phá trong những tháng vừa qua.

Về diện tích thả nuôi, 10 tháng đầu năm, cả nước có trên 653.600ha (ở 30 tỉnh, thành). Sản lượng thu hoạch tôm đạt gần 476.000 tấn, trong đó, khu vực ĐBSCL chiếm 92,5% về diện tích và gần 80% sản lượng. So với dự đoán, Việt Nam là nước có sự phục hồi về sản lượng tôm tương đối nhanh.

Sản lượng tôm của các nước sản xuất chính đang dần phục hồi nhưng vẫn thấp hơn so với nhu cầu của thị trường, do vậy giá tôm từ đầu năm đến nay luôn biến động theo chiều hướng tăng (có thời điểm tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2012), mặc dù đã có tín hiệu chững lại đôi chút trong tháng 10 vừa qua.

Theo Globefish, nguồn cung cấp tôm nuôi từ châu Á và Mỹ Latinh tăng không nhiều ngay cả trong thời điểm chính vụ từ tháng 5-9. Thái Lan đã được kiểm soát được một phần dịch bệnh EMS nhưng sản lượng năm nay chỉ bằng ½ của năm ngoái (250.000 tấn), sản lượng tôm của Trung Quốc cũng dự kiến giảm 50-60%. Ấn Độ được mùa tôm, nhưng đang có nhiều bất ổn chính trị ở bang sản xuất tôm chủ yếu của nước này nên việc thu hoạch và vận chuyển tôm nguyên liệu đến nơi sản xuất, XK bị gián đoạn và rất khó khăn. Mới đây, Intrafish đưa tin Dịch bệnh EMS đã lây lan sang Ấn Độ, nước này đã phải ra thông báo ngừng nuôi tôm vụ tháng 11/2013-2/2014 để cố gắng sớm dập dịch dứt điểm. Sản lượng tôm nuôi của Inđônêxia khá ổn định, nhưng giá tôm nguyên liệu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, cho đến thời điểm này, nguồn cung cấp tôm cho thế giới vẫn ở mức hạn chế, phần nào có lợi cho các nhà XK.

Những trở ngại chính đối với XK tôm

Dịch bệnh vẫn là nỗi ám ảnh lớn của ngành tôm. Việc chưa thể kiểm soát một cách hiệu quả và chủ động đối với dịch bệnh phổ biến trên tôm đã khiến mối đe dọa này hạn chế mong muốn mở rộng vùng nuôi đối với người dân. Thực tế, trên thế giới hiện vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả đối với một số loại dịch bệnh trên tôm, trong đó có hội chứng EMS nguy hại nhất.

Giá tôm nguyên liệu hiện nay ở nước ta đang ở mức cao hơn nhiều so với các năm trước, một phần là do giá đầu vào như thức ăn và nhiên liệu tăng, nhưng việc trả giá cao để vơ vét tôm nguyên liệu của thương nhân Trung Quốc cũng là một yếu tố đẩy giá tôm lên.

Tác động tiêu cực khác mà ngành XK tôm đang phải đương đầu đó là xu hướng XK tôm tươi ngày càng tăng sang thị trường Trung Quốc. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã nêu: “Năm 2013, XK tôm sang Trung Quốc tăng mạnh (49%) nhưng tỉ trọng tôm nguyên liệu (tươi/đông lạnh/ướp lạnh) chiếm tới 94%, còn lại chỉ 6% tôm chế biến. Nhiều thương lái đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu xuất sang Trung Quốc đã làm nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt trầm trọng. Nhiều DN phải gia tăng NK nguyên liệu từ các nước khác để bù đắp nguồn nguyên liệu “chảy máu” sang Trung Quốc”.

Một vấn đề khác, mặc dù mới chỉ là những tín hiệu ban đầu nhưng cũng đáng quan tâm đối với các DN tôm nước ta là trong tháng 10 vừa qua, giá tôm ở một số nước đã chững lại, như tại Êcuađo do sản lượng tôm đã được cải thiện và giá bán tôm trên thị trường Nhật cũng dịu hơn so với trước đây. Hơn nữa, Thái Lan cũng đang trên đường phục hồi sản lượng từ giữa năm nay. Đây là những yếu tố cho thấy thị trường tôm có nhiều khả năng bớt căng thẳng hơn so với thời gian dài vừa qua.


Theo Vietfish.org

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: