Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015, xuất khẩu tôm không chỉ chỉ giảm về sản lượng mà thị trường còn bị thu hẹp tới hơn 1/3.
Đánh giá của VASEP cho thấy, năm 2015 tình hình xuất khẩu tôm hoàn toàn đảo ngược so với năm 2014. Kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, giảm mạnh 25% so với năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính giảm, giá xuất khẩu lao dốc, sản lượng của Ấn Độ tăng mạnh, giá tôm cạnh tranh tại thị trường Mỹ và đồng nội tệ của các nước cạnh tranh như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia giảm giá so với USD với tỷ lệ giảm mạnh hơn nhiều so với tỷ giá của đồng VND so với USD. Các yếu tố này đã làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam đồng thời khiến xuất khẩu tôm liên tục giảm trong năm nay.
Năm 2015, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường, giảm so với 150 thị trường của năm 2014. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm mạnh: Mỹ, giảm 35,4%, EU giảm18%, Nhật Bản giảm 22,8%, Trung Quốc giảm 17%…
Trong các yếu tố tác động đến xuất khẩu tôm năm 2015 phải kể đến những biến động mạnh trên thị trường tiền tệ. Năm 2015, đồng USD tăng giá mạnh so với tiền tệ của các nước lớn cùng với động thái thả nổi hoặc phá giá đồng nội tệ của một số nước khiến cho thị trường bất ổn: nhu cầu giảm, áp lực cạnh tranh tăng. Đặc biệt là chính sách tỷ giá của Trung Quốc khiến cho thị trường tài chính và hàng hóa xáo trộn.
Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã phá giá đồng NDT sau khi các đồng tiền chính giảm giá mạnh so với USD. Tính từ tháng 1-2013 đến tháng 8-2015, đồng Euro giảm 20%, đồng yên Nhật giảm 39%, đồng won Hàn Quốc giảm 11% so với đồng USD. Ngược lại đồng NDT đã tăng giá suốt 3 năm qua, trước khi có động thái giảm giá vào tháng 8-2015, VND cũng neo giá cố định. Đến tháng 8-2015, VND giảm giá nhẹ (-5%) so với thời USD và NDT tính từ thời điểm tháng 1-2013.
Yếu tố tác động lớn thứ hai là giá tôm thế giới giảm mạnh. Kinh tế thế giới suy thoái, đặc biệt tại các thị trường chính, nhu cầu tiêu thụ giảm tạo ra vòng xoáy giảm giá cho hầu hết các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản cao cấp như tôm. Ví dụ với sản phẩm tôm sú cỡ 16/20 của Việt Nam vốn được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, giá đã giảm 14% từ 11,3 USD hồi đầu năm xuống còn 9,75 USD/pao trong quý III. Tôm sú vỏ cỡ 21/25 của Việt Nam giảm gần 30% từ 7,5 USD xuống 5,8 USD/pao, trong khi giá tôm cùng loại của Ấn Độ cũng giảm từ 6,9 USD xuống mức tương đương 5,85 USD/pao.
Biến động tiền tệ, vòng xoáy giảm giá khiến cho sức cạnh tranh của tôm Việt Nam yếu đi so với các nước đối thủ. Giá tôm Việt Nam cao nhất trên các thị trường chính do giá thành sản xuất cao hơn so với các nước cạnh tranh.
Mặc dù đối mặt với không ít thách thức, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn có cơ hội lạc quan trước những tín hiệu tích cực từ thông tin thuế CBPG giảm mạnh và làn sóng FTA và TPP. Ngày 7-9-2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh NK từ Việt Nam giai đoạn từ 1-2-2013 đến 31-1-2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét POR8. Đây là một tín hiệu đáng mừng với xuất khẩu tôm của Việt Nam, phần nào giúp tháo gỡ gánh nặng về thuế cho các DN.
Làn sóng FTA và TPP mang lại ưu đãi lớn cho các DN XK vì tập trung mở cửa thị trường hàng hóa bằng việc giảm thuế NK tại các thị trường đối tác. Theo đó, mặt hàng tôm có lợi thế rõ rệt sau khi ký kết các FTA song phương với Hàn Quốc, EU, Cộng đồng kinh tế Á – Âu và TPP. Thuế NK hầu hết các sản phẩm tôm nguyên liệu được giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Năm 2016, TPP và các FTA sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu tôm Việt Nam. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng xu hướng giảm giá và biến động tiền tệ nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 12% đạt khoảng 3,3 tỷ USD.
Báo Hải Quan