Xuất khẩu tôm những tháng cuối năm dự kiến tăng nhẹ

Thursday,
22/02/2018
0

Tháng 8/2016, XK tôm Việt Nam đạt giá trị lớn nhất với mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay. XK tôm trong tháng này đạt 306,1 triệu USD; tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt trên 1,9 tỷ USD; tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng XK tôm nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và giá tôm thế giới có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn cung thế giới sụt giảm.



http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2016_10/che-bien-tom_33.jpg


Sau đợt hạn mặn vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm sú đã chuyển đổi sang thả nuôi tôm chân trắng do thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao, tỷ lệ nuôi thành công cao. Trong cơ cấu sản phẩm tôm XK, tỷ trọng tôm chân trắng XK tăng do diện tích thả nuôi và sản lượng tăng. Tỷ trọng XK tôm sú và tôm biển giảm.

Trong 8 tháng đầu năm 2016, giá trị XK tôm chân trắng tăng 10%, chiếm 60,4% tổng giá trị XK tôm; tôm sú giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,4%. Trong tất cả các sản phẩm tôm XK, giá trị XK tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng mạnh nhất trên 12%, XK tôm loại khác chế biến đóng hộp (HS 16) giảm mạnh nhất 66% tuy nhiên chỉ chiếm giá trị nhỏ 1,8 triệu USD.

XK tôm Việt Nam sang top 5 thị trường chính đều tăng trừ Nhật Bản giảm 6,4%. XK tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 36,9%, sang Mỹ tăng 16,4%; sang Hàn Quốc tăng 13,5% và EU tăng 7,1%.

Mỹ

Mỹ - thị trường NK lớn nhất - chiếm 22,5% tổng giá trị XK, vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt: 16,4% với 435,3 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay. Giá NK tôm của Mỹ tăng do một số nguồn cung cho thị trường Mỹ như: Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan gặp khó khăn. Nhu cầu NK tôm sú của Mỹ tăng trong khi sản lượng tôm sú tại Ấn Độ, Indonesia giảm. Hiện cũng là thời điểm các nhà hàng và các hãng bán lẻ ở Mỹ tung ra các chiến lược quảng cáo, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôm của người tiêu dùng cho dịp cuối năm.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) áp dụng cho những lô hàng XK từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/1/2015. So với mức thuế cuối cùng của POR9, mức thuế cuối cùng của POR10 đã tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện. Mức thuế cuối cùng này cũng cao hơn mức sơ bộ 3,56% mà DOC công bố hồi tháng 3/2016. Mức thuế suất toàn quốc trong đợt này là 25,76%.

Trước mắt, quyết định tăng thuế CBPG sẽ gây áp lực tâm lý tới các DN XK và tạo tâm lý chưa ổn định cho phía khách hàng, khiến hoạt động XK tôm sang Mỹ sụt giảm trong thời gian ngắn, do vậy, XK trong quý IV có thể không duy trì được mức tăng trưởng 16,5% như 3 quý đầu năm. Tuy nhiên về lâu dài khi các bên đều xác định được Việt Nam không bán phá giá tôm, hoạt động XK tôm sang thị trường này sẽ dần đi vào ổn định.

EU

Sản lượng tồn kho tại EU đã bắt đầu giảm tạo cơ hội cho Việt Nam tăng XK vào thị trường này. Tính đến hết tháng 8, giá trị XK tôm sang EU đạt 372 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. XK tôm sang cả 3 thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong khối đều tăng trong đó XK sang Hà Lan tăng mạnh nhất 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính tới tháng 8 năm nay, Anh tiếp tục là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với đà tăng trưởng 8,4%. Nhu cầu tôm nước ấm từ thị trường Anh vẫn tốt trong năm nay. Trong 1 năm tính tới 13/8/2016, trên thị trường Anh, khối lượng tôm nước ấm bán ra đạt 17.230 tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Giá trị bán ra tăng 11,1% lên 336,6 triệu USD.

Nhật Bản

XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm trong những tháng đầu năm nay. Các quy định khắt khe về chất lượng và các yêu cầu kiểm tra tôm NK của Nhật Bản khiến giá XK đội lên, tôm Việt Nam cạnh tranh kém hơn so với các đối thủ trên thị trường này.

Tháng 8/2016, XK tôm sang Nhật Bản tăng 3,2% đạt gần 60 triệu USD. Tuy nhiên, đà tăng này không đủ để bù đắp mức giảm từ đầu năm nên lũy kế 8 tháng đầu năm nay đạt 343,7 triệu USD; giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), từ ngày 13/9/2016, tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu Chloramphenicol đối với lô hàng tôm và sản phẩm tôm Việt Nam đã giảm từ 100% xuống còn 30% do trong thời gian qua trên các lô tôm Việt Nam không phát hiện chỉ tiêu này.

Tác động tâm lý từ kết quả cuối cùng POR10 đối với tôm đông lạnh Việt Nam XK sang Mỹ có thể khiến XK tôm sang thị trường này giảm trong quý IV năm nay tuy nhiên XK tôm sang các thị trường khác dự báo vẫn tăng trưởng ổn định. XK tôm Việt Nam trong những tháng tiếp theo dự kiến vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.


Theo Vasep
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: