Xuất khẩu tôm: Niềm vui chưa trọn vẹn

Thursday,
22/02/2018
0

Việc Hoa Kỳ đã chính thức công nhận tôm Việt Nam không bán phá giá, phần nào đã giúp ngành tôm Việt Nam bớt đi áp lực. Thế nhưng, bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định, người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp (DN) vẫn chưa bớt lo khi nguồn cung tôm đang khan hiếm, và nỗi lo thuế trợ cấp vẫn áp lên con tôm Việt Nam.

Bứt phá ấn tượng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 8, xuất khẩu tôm tiếp đà hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 38%, kim ngạch đạt gần 280 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng của mặt hàng này lên 1,67 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Có được kết quả khả quan trên là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng tôm thẻ chân trắng với mức tăng lên tới 150% trong tháng 8 và trên 65% trong 8 tháng qua. Tôm chân trắng vẫn sẽ là mặt hàng chủ lực trong 4 tháng cuối năm, do nguồn cung tôm sú đang khan hiếm. Hầu hết các thị trường xuất khẩu tôm đều tăng mạnh, như tại Hoa Kỳ tăng gần 43%, Nhật Bản tăng 11,4%, EU tăng 5,3%, Trung Quốc tăng 37%, Canada tăng 36%...

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết, nhu cầu tôm trên thế giới đang gia tăng do nguồn cung ít, trong khi sản lượng tôm tại một số quốc gia xuất khẩu như Thái Lan giảm mạnh do dịch bệnh, đang tạo cơ hội cho ngành tôm Việt Nam. Dự kiến, xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt mức 2,5-2,6 tỷ USD, tăng 12-16% so với cùng kỳ 2012.

Cùng với đó, thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng, công nhận 33 DN xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 (POR7) đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Hoa Kỳ đã góp thêm một lợi thế cho đà tăng trưởng xuất khẩu tôm thời gian tới. Như vậy, từ năm 2004 đến nay, trải qua 7 đợt rà soát cùng với nỗ lực bền bỉ của các DN tham gia theo đuổi vụ kiện, DOC cuối cùng cũng đã phải "cởi trói” cho DN tôm Việt Nam và lần đầu tiên quyết định mức thuế 0% cho DN Việt.

Thị trường xuất khẩu thuận lợi đã khiến giá tôm nguyên liệu trong nước tăng theo, mang lại niềm vui lớn cho người nuôi. Theo Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, giá tôm nguyên liệu trong tuần qua tiếp tục tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng so với tuần trước. Hiện giá tôm sú loại 20 con/kg có giá 237.000 đồng/kg, loại 30 con có giá 185.000 đồng/kg, loại 40 con giá 155.000 đồng/kg… Tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg giá 144.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 139.000 đồng/kg… Mức giá cao này cũng phổ biến ở một số tỉnh khác như Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu…

Tránh bị áp thuế trở lại

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc DN Việt thoát được thuế chống bán phá giá là thắng lợi lớn, một tín hiệu tích cực để tạo điều kiện cho người nuôi tôm và DN an tâm phát triển ngành hàng.

Tuy nhiên, DN Việt cũng cần coi đây là bài học lớn. Việc kiểm tra của DOC luôn rất nghiêm ngặt và tiến hành hàng năm, do đó, lãnh đạo điều hành hiệp hội thủy sản cùng bản thân các DN xuất khẩu phải luôn chú trọng việc mua bán, tránh hiện tượng phá giá để cạnh tranh không lành mạnh, hoặc sử dụng tạp chất trong tôm.

Cùng với đó, áp lực lớn với ngành tôm hiện vẫn là thuế chống trợ cấp. Dù chính phủ Việt Nam hoàn toàn không trợ cấp, nhưng đây vẫn là cái cớ đang áp đặt lên con tôm Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) cũng cho rằng, thuế trợ cấp vẫn chưa bỏ và DOC có quyền áp đặt loại thuế này cho tất cả DN. Do đó, DN Việt phải tính toán lại hướng xuất khẩu của mình.

Về ý kiến cho rằng nguồn nguyên liệu cho ngành tôm đang khan hiếm, ông Bình cho rằng, đây đã thành câu chuyện muôn thưở, do tôm còn bị ảnh hưởng nhiều yếu tố rủi ro. Đồng thời, giá nguyên liệu cũng có lúc lên lúc xuống, nên đây chưa phải vấn đề lớn. Điều khiến ông Bình lo ngại là trong vụ mùa năm sau, nếu công tác điều hành không khéo, không tổ chức xuất khẩu tốt, DN thấy thị trường Mỹ không áp thuế chống bán phá giá lại đua nhau xuất khẩu vào thị trường này, dễ khiến DN bị áp thuế trở lại.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, cả 2 loại thuế này vẫn đang tạo mối lo lớn cho ngành tôm, nhất là khi thuế chống trợ cấp vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Thời gian tới, điều kiện tiên quyết là bản thân DN phải tiếp tục nỗ lực, chủ động thâm nhập, tìm hiểu quy luật thị trường xuất khẩu. Đồng thời, hoạt động đúng cơ chế thị trường, nắm vững thông tin thị trường, những rào cản kỹ thuật hiện có để có được hướng đi phù hợp.



Đại đoàn kết

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: