Xuất khẩu tôm sang EU, Mỹ dự báo tăng trưởng tốt

Friday,
15/02/2019
0

Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 và việc Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam sẽ là hai yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm tới.

Trong năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu trị giá xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD, ổn định diện tích nuôi tôm sú 620.000 ha, sản lượng 330.000 tấn tạo động lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển ngành tôm đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018 lượng tôm xuất khẩu đạt 376,2 nghìn tấn, trị giá 3,53 tỷ USD, giảm 2,5% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với năm 2017. 

Theo đó, lượng tôm xuất khẩu kể từ tháng 4/2018 liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tốc độ giảm về trị giá luôn cao hơn so với tốc độ giảm về lượng do giá xuất khẩu tôm giảm.

Giá xuất khẩu trung bình tôm trong năm 2018 ở mức 9,39 USD/kg, giảm 0,53 USD/kg so với năm 2017. Giá tôm giảm do nguồn cung tôm thế giới tăng khiến cho mặt bằng giá tôm thế giới giảm. Trong năm 2018, xuất khẩu tôm giảm chủ yếu do xuất khẩu sang EU, Nhật Bản và Trung Quốc giảm, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada tăng.

Hiện tại, EU đang là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Năm 2018, lượng tôm xuất khẩu sang EU đạt 89,6 nghìn tấn, trị giá 839,7 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 2,2% về trị giá so với năm 2017. Mặc dù theo thống kê xuất khẩu tôm sang thị trường EU giảm, nhưng thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU lại tăng so với năm 2017.

Theo thống kê của Eurostat, thị phần tôm Việt Nam tính theo lượng tăng từ 11,1% trong 11 tháng năm 2017, lên 12,6% trong 11 tháng năm 2018. Năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm chế biến (mã HS 160521) lớn nhất cho EU với thị phần chiếm 22,6% về lượng.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 sẽ là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu tôm sang thị trường EU phục hồi trở lại.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 trong năm 2018, với sản lượng đạt 63,3 nghìn tấn, trị giá 635 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với năm 2017.

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm do nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này giảm, và năm 2017 xuất khẩu tôm sang thị trường này đã tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, việc Nhật Bản thường xuyên rà soát, tăng tần suất kiểm tra dư lượng Sulfadiazine trong các lô hàng tôm đông lạnh Việt Nam cũng gây khó khăn cho xuất khẩu tôm sang thị trường này. Năm 2019, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự báo sẽ ổn định so với năm 2018.

Cũng theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, năm 2018, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt 60,2 nghìn tấn, trị giá 636 triệu USD, tăng 4,2% về lượng, nhưng vẫn giảm 3,1% về trị giá so với năm 2017.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2019, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu từ thị trường này tăng trưởng ổn định và có tín hiệu cho thấy tôm Việt Nam đang dần lấy lại vị thế tại thị trường này. Trong các tháng cuối năm 2018, Hoa Kỳ đã tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam, đặc biệt khi thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam giảm xuống đáng kể.

Nguồn: Bizlive

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: