Con tôm và cá tra là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Nhưng sau thời gian dài phát triển liên tục, đến năm 2012, cả 2 mặt hàng này đều không đạt kế hoạch, dẫn đến hậu quả kim ngạch thủy sản xuất khẩu chỉ đạt 6,1 tỷ USD thay vì 6,5 tỷ USD như kế hoạch đề ra.
Chế biến tôm xuất khẩu đang gặp một số khó khăn. Ảnh: Phạm Kim Ngân
Bên cạnh những tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài làm nhu cầu thị trường suy giảm, còn có sự bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý khiến tình trạng suy giảm ngày càng trầm trọng hơn.
Khó khăn chồng chất
Khan hiếm tôm nguyên liệu là căn bệnh trầm kha của nhiều doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc Công ty Gió Mới cho biết, trước đây tôm nguyên liệu chỉ thiếu 2-3 tháng, thời gian còn lại nguyên liệu dồi dào nên nhà máy hoạt động liên tục, lợi nhuận kiếm được khá dễ dàng. Vài năm nay, việc thiếu nguyên liệu kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5, khiến nhà máy hoạt động không hiệu quả. Trong năm chỉ 2 tháng có nguyên liệu dồi dào là tháng 8 và 9 nên khó bù lại quãng thời gian hoạt động cầm chừng. Đó là hậu quả của dịch bệnh trên con tôm nuôi xuất hiện liên tục, ngoài bệnh đốm trắng còn thêm bệnh hoại tử gan tụy làm cho tôm chết sớm. Căn bệnh này, theo ông Bùi Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), ngoài Việt Nam còn xuất hiện ở Trung Quốc, đặc biệt là Thái Lan, năm nay bị thiệt hại khá nặng nề như năm 2012 ở Việt Nam.
Các DN còn gặp khó về việc tuyển dụng công nhân, nhất là công nhân có trình độ tay nghề cao. Kinh tế suy thoái, thu nhập công nhân ngành tôm không phải thật cao nhưng vẫn cao hơn so với không ít nghề khác. Thị trường cũng gặp khó khi việc nhập khẩu ngày càng bị thu hẹp ở 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản. Một khó khăn khác là chi phí đầu vào ngày càng tăng, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Con tôm Việt Nam luôn đối mặt với những rào cản thương mại như thuế chống trợ cấp, rào cản kỹ thuật từ Mỹ, Nhật, các nước EU. Gần đây, Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản thương mại, mới nhất là thuế chống trợ cấp của Mỹ, đây là điều phi lý, các DN và cơ quan quản lý nhà nước đang tiếp tục đấu tranh, chờ đến tháng 8 mới có kết quả cuối cùng. Rào cản kỹ thuật lớn nhất từ thị trường Nhật, liên tiếp trong 3 năm trở lại đây là dư lượng Ethoxyquin.
Các DN cho rằng, cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, tập trung giải quyết những yêu cầu DN đề xuất, quan tâm đến việc kiểm soát vùng nuôi, nhằm tạo động lực cho DN. Đây là vấn đề đặt ra hơn 10 năm nhưng đến nay chưa có tiến triển rõ trong việc kiểm soát.
Khống chế dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, dịch bệnh trên con tôm năm nay giảm đáng kể, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy làm tôm chết sớm đã có những bước tiến rõ trong việc tìm ra nguyên nhân và ngăn ngừa hiệu quả từ khi Bộ NN-PTNT lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, mời những chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam cùng nghiên cứu, hợp tác giải quyết. Nhờ đó, diện tích tôm nuôi bị hội chứng này từ đầu năm đến nay chỉ còn hơn 570 ha, bằng 2,4% so với cùng kỳ năm 2011 và chỉ chiếm 5,9% tổng diện tích dịch bệnh trên tôm nuôi.
Ông Bùi Quang Huy cho rằng, tỷ lệ tôm nuôi không chết lên đến 50% - 70%. Nay đã xuất hiện một số mô hình nuôi thành công như Trường Sơn ở Huế, các mô hình nuôi tập trung ở Sóc Trăng… nhưng đòi hỏi phải được đầu tư lớn, bài bản. Vì vậy, giờ đây nghề nuôi tôm rất kén chọn người nuôi, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và nhanh nhạy trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Dịch bệnh hoại tử gan tụy đòi hỏi phải thay thế thuốc kháng sinh bằng phương pháp khác theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học. Nếu sử dụng kháng sinh tràn lan sẽ rất nguy hiểm cho ngành tôm trong tương lai khi mà rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều hơn. Như vậy, có thể nói, Việt Nam cơ bản kiểm soát được bệnh hoại tử gan tụy, trong khi dịch bệnh này hiện vẫn còn hoành hành ở nhiều nước, nhất là Thái Lan.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, dù ngành thủy sản vẫn gặp khó khăn, nhưng đã qua thời kỳ gay go nhất và đang bước vào giai đoạn phục hồi. Bộ NN-PTNT nhận định, trong thời gian tới, con tôm nước lợ có điều kiện thuận lợi nhất do kiểm soát tốt dịch bệnh, trong khi thị trường và giá khá tốt nên cần mở rộng diện tích sản xuất. Với người nuôi, một trong những khó khăn nhất hiện nay là vốn. Do rủi ro cao và bị chết liên tục nhiều vụ nên người nuôi không dễ tiếp cận vốn. Ngân hàng vẫn rất ngại khi cho người nuôi tôm vay. Có thể nói, “căn bệnh” trầm kha này là thử thách không nhỏ nếu như muốn mở rộng sản xuất và tăng tốc sau thời gian trì trệ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu tôm tăng trong 2 tháng 4 và 5 (tăng 7% - 9%) do nguồn tôm nguyên liệu đã hồi phục. Tôm chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản, khoảng 37% với trên 830 triệu USD trong tổng số 2,28 tỷ USD xuất khẩu 5 tháng qua, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2012.
Báo Sài Gòn Giải Phóng