Xuất khẩu tôm trong bối cảnh thuế chồng thuế

Thursday,
22/02/2018
0

Trong ba tháng 5-6-7, XK tôm tăng rất mạnh, chứng tỏ ngành tôm đã phục hồi một phần đáng kể từ sau hơn một năm bị hội chứng tôm chết sớm (EMS ) hoành hành. Kết quả này cũng phần nào cho thấy thời điểm trên các DN đẩy mạnh XK trước xác định có bị áp thuế chống trợ cấp hay không, bên cạnh thuế chống bán phá giá.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2013_10/nhatrangseafood.jpg


Xuất khẩu tôm - động lực cho XK thủy sản cả nước

Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay cả nước đã XK được 1,4 tỷ USD tôm, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng trong tháng 7, XK tôm đạt 291 triệu USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 21,7% so với tháng 6.

Trong bối cảnh suy thoái tiêu thụ toàn cầu, một số mặt hàng XK chủ lực của nước ta như cá tra, cá ngừ và nhiều loại thủy hải sản khác chỉ đạt kết quả khiêm tốn, tăng nhẹ hoặc giảm so với cùng kỳ năm ngoái, riêng mặt hàng tôm đạt mức tăng trưởng cao. Điều này thể hiện rõ vai trò quan trọng của mặt hàng tôm trong việc thúc đẩy XK thủy sản của nước ta, bởi đến nay mặt hàng này chiếm 40% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước.

Ngành tôm đạt mức tăng trưởng XK cao trong thời gian gần đây trước hết là nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi khá đặc biệt. Nguồn cung cấp tôm toàn cầu bị thiếu hụt do các nước sản xuất chính như Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia, Trung Quốc và mới đây là Mêhicô bị thiệt hại nặng từ dịch bệnh EMS, khiến tình hình cung cấp tôm cho nhiều thị trường tiêu thụ lớn trở nên căng thẳng và giá tôm bị đẩy lên cao. Đến nay giá tôm ở hầu hết các thị trường như Mỹ và Nhật Bản,…. đều tăng thêm khoảng trên dưới 2 USD/kg, mặc dù giá tăng một phần là do giá các đầu vào trong nuôi, chế biến và XK tăng lên đáng kể.

Theo đánh giá của ngành, mặc dù có những khó khăn khách quan về các loại thuế, trong các tháng cuối năm XK tôm của cả nước vẫn có những triển vọng tích cực và sẽ tiếp tục tăng trưởng khá.

Tôm nguyên liệu hiện nay đang được bán với giá khá tốt: tôm sú cỡ 20 có giá 232.000 đồng/kg, cỡ 30 -175.000 đồng và cỡ 40-150.000 đồng/kg; tôm chân trắng các cỡ cũng đồng loạt lên giá (theo CASEP) sẽ là động lực tốt cho người dân tiếp tục đầu tư vào nuôi. Do vậy, tình hình nguyên liệu sẽ bớt căng thẳng, cung ứng tốt hơn cho các nhà máy chế biến.

Trong khi đó xu hướng nhu cầu của toàn cầu đối với tôm có nhiều khả năng tăng lên do các nhà NK phải xây dựng nguồn hàng khi đang tiến gần đến những dịp nghỉ lễ cuối năm hay đầu năm mới. Đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm, VASEP dự đoán giá trị XK tôm năm 2013 đạt 2,4 tỷ USD, tăng so với mức 2,25 tỷ USD năm 2012.

Thuế chồng thuế trên thị trường Mỹ

Theo Tổng Cục Thủy sản, hiện cả nước có trên 650.000 ha diện tích nuôi tôm, các tỉnh nằm trong vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL đã phục hồi được nhiều diện tích nuôi. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để, rải rác một số vùng nuôi vẫn bị thiệt hại do EMS, nhất là ở các tỉnh miền Trung; bên cạnh đó ngành chưa thể tiên lượng những rủi ro cho mùa thu hoạch tới về tác động của dịch hại và biến động thời tiết. Một số thị trường lớn tiêu thụ tôm của Việt Nam như Hàn Quốc, EU vẫn giảm sâu NK hoặc không có tiến triển trong nửa đầu năm 2013.

Tuy nhiên, nhìn chung vấn đề đáng lo ngại hơn cả của ngành hiện nay là những diễn biến của vụ kiện và các mức thuế chống trợ cấp (CVD) mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp đặt hồi tháng 8 vừa qua, mặc dù XK tôm của 33 DN nước ta vừa được DOC tuyên bố không phải nộp thuế chống bán phá giá (CBPG) trong giai đoạn POR7. Không có gì bảo đảm là đến giai đoạn POR8 và tiếp sau nữa, thuế CBPG tôm Việt Nam vẫn được giữ nguyên 0%.

Chính phủ Việt Nam và VASEP khẳng định việc áp thuế CVD của Mỹ đối với XK tôm của nước ta là một sự bất công và kịch liệt phản đối việc đối xử thương mại không công bằng của Mỹ. Hành động này chỉ cho thấy Mỹ đang tích cực thực hiện chính sách bảo hộ ngành tôm trong nước.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch VASEP phát biểu: “Đây là một hành động phi lý, bởi ngành tôm ở Việt Nam và ngành tôm của Mỹ hoàn toàn khác nhau về điều kiện sản xuất, chất lượng và có đối tượng tiêu dùng; trong khi tôm của Mỹ được đánh bắt ở biển, thì tôm Việt Nam là tôm nuôi. Các sản phẩm tôm của Mỹ và Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với nhau”.

Hơn nữa, trong năm 2012 vừa qua, sản lượng và giá thành tôm khai thác nội địa của Mỹ đã tăng lên, chứng tỏ ngành tôm nước này không bị ảnh hưởng. Và chính trong vụ kiện, sản lượng tôm XK vào Mỹ từ 5 quốc gia bị áp thuế chỉ chiếm 45% tổng NK tôm của nước này, chưa tạo thành điều kiện đầy đủ để cho rằng tôm NK làm thiệt hại đến ngành tôm nội địa Mỹ.

Việc áp thuế của Mỹ cũng gây nên sự phản ứng của các nhà NK, phân phối và các hệ thống siêu thị tại thị trường Mỹ như Sysco, Public Super Market, Censea vv…. Họ lo ngại với mức thuế cao, các nước sẽ đẩy hàng sang các thị trường khác khiến nguồn cung cho Mỹ sụt giảm, nhất là khi sản lượng tôm toàn cầu đang khan hiếm và Trung Quốc sớm trở thành một thị trường nhập siêu tôm. Ngay chính mạng tin thủy sản uy tín thế giới Seafoodsource.com cũng có bài bình luận với tiêu đề “Thuế không phải là giải pháp lâu dài” nêu rõ những động cơ trục lợi của Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh và quyết định sai lầm cuả DOC.

Nếu phải chịu thêm mức thuế CVD, sản phẩm tôm Việt Nam sẽ rất bất lợi trên thị trường do sức cạnh tranh bị hạn chế, nhất là khi Thái Lan và Inđônêxia có thuế suất CVD bằng 0, mối nguy trực tiếp này sẽ đẩy các DN chế biến và XK tôm Việt Nam vào tình thế cạnh tranh không cân sức và không công bằng.

Giải pháp nào cho XK tôm tiếp tục tăng trưởng?

Để XK tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát dịch bệnh và xử lý kịp thời những vùng nhiễm bệnh, để duy trì tốt nguồn cung tôm nguyên liệu cho chế biến. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách giúp người nuôi tiếp cận với nguồn vốn vay để tiếp tục đầu tư nuôi nhằm tận dụng điều kiện thị trường tiêu thụ thuận lợi. Các DN chế biến XK đồng thời tích cực củng cố thị trường đã có và tích cực tìm kiếm thị trường mới để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Trước thách thức không nhỏ của thuế suất CVD khá cao, VASEP và cộng đồng các DN XK tôm đã liên kết chặt chẽ để tập hợp thông tin, xem xét lại toàn bộ hồ sơ và tiến trình điều tra DN để có những cơ sở lập luận từ thực tế của ngành. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải có sự tham gia, chung sức của các cơ quan Chính phủ có liên quan nhằm bảo vệ sự công bằng đối xử trên thị trường thế giới và tránh gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hơn 600.000 người lao động trong ngành nuôi và chế biến XK tôm.Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam vẫn có quyền khiếu nại vụ việc lên những cấp phán xử cao hơn, nếu ngày 26/9 tới Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra xác nhận các DN tôm Mỹ bị thiệt hại về vật chất do trợ cấp của Chính phủ Việt Nam. Thiết nghĩ, đây là một hành động pháp lý thông thường và Việt Nam cũng đã từng được WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) xử thắng trong vụ khiếu kiện DOC, Mỹ về phương pháp “Qui về 0” trong cách tính biên độ phá giá đối với tôm đông lạnh Việt Nam hồi tháng 7/2011.

Ngành tôm rất cần Chính phủ quyết tâm giải quyết vụ kiện CVD, vì theo quan điểm của các DN tôm, hiện nay thị trường Mỹ vẫn hút hàng tôm của Việt Nam là do nguồn cung tôm trên toàn thế giới sụt giảm mạnh, không đủ đáp ứng cho nhiều thị trường lớn, vì vậy giá tôm tuy cao nhưng họ vẫn phải mua vào, kể cả việc cộng thêm phần thuế suất CVD. Nhưng trong tương lai không xa, khi dịch bệnh được khắc phục và nhất là theo hãng tin Fis.com dự báo Thái Lan sẽ sớm phục hồi sản lượng vào năm 2014, cộng với một số nước như Ấn Độ, Bănglađét … đẩy mạnh sản lượng tôm chân trắng XK sang Mỹ để tận dụng thuế suất CVD thấp và không bị kiện, thì nguồn cung sẽ trở lại bình thường, giá tôm thế giới cũng về lại mức cũ.

Khi đó con tôm Việt Nam sẽ khó lòng vượt qua được biên giới với hai tròng thuế suất nặng nề trên cổ, thêm vào đó, tôm nguyên liệu Việt Nam vốn luôn có giá thành cao hơn một số nước trong khu vực.



vietfish.org

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: